Nhiều bạn ấp trứng ngỗng bằng máy thấy không nở được hoặc nở rất kém. Hỏi lại thì do nhiều lỗi khi ấp ví dụ như để nhiệt độ hơi cao, làm mát trứng không đúng cách, đặt trứng đầu to hướng xuống dưới, không chọn trứng trước khi ấp, … Bài viết này Mactech sẽ giúp các bạn giải thích rõ hơn về việc tại sao cần làm mát trứng ngỗng khi ấp và cách làm mát như thế nào cho dễ và hiệu quả.
Cách làm mát trứng ngỗng
Làm mát trứng các bạn cần phải làm mát từ ngày ấp thứ 12 đến ngày trứng nở. Mỗi ngày cần làm mát ít nhất một lần, nếu có thời gian bạn làm mát hai lần một ngày càng tốt. Để làm mát trứng ngỗng các bạn có thể làm mát theo 3 cách sau:
- Cách thứ nhất: mang trứng trong máy ấp ra ngoài, để nguội bớt. Xịt nước ấm cho ướt trứng rồi để trứng tự khô. Sau khoảng 60 phút cho trứng vào ấp tiếp.
- Cách thứ hai: mang trứng trong máy ấp ra ngoài, để nguội bớt. Hòa một chậu nước ấm, thả trứng vào trong khoảng 10 giây rồi vớt ra để trứng tự khô. Sau 60 phút cho trứng vào ấp tiếp.
- Cách thứ ba: Đối với những hộ ấp trứng ngỗng số lượng lớn, việc chuyển trứng từ trong máy ra ngoài khá vất vả vì số lượng trứng nhiều và nặng. Do đó, những hộ ấp trứng dạng này thường thiết kế máy ấp có hệ thống điện ở bên trên, khi làm mát trứng sẽ tắt máy, che hệ thống điện ở trên rồi mở cửa máy cho trứng nguội bớt. Dùng vòi xịt xịt nước cho ướt hết trứng ngay trong máy rồi đợi trứng khô. Khi trứng khô, chúng ta sẽ bỏ tấm che hệ thống điện ở trên rồi bật máy cho máy hoạt động tiếp. Về việc nước chảy xuống bên dưới đáy của máy sẽ được thoát ra bên ngoài theo đường thoát nước riêng.
Xem thêm: Kinh nghiệm ấp trrứng ngỗng
Tại sao cần làm mát trứng ngỗng khi ấp
Việc làm mát trứng khi ấp nhiều bạn cho rằng làm vậy là để tăng độ ẩm cho trứng giúp quá trình trứng nở được dễ dàng hơn. Điểm này cũng đúng nhưng không đúng hoàn toàn mà chỉ đúng một phần nhỏ. Việc làm mát trứng khi ấp không chỉ giúp trứng tăng độ ẩm mà còn khiến vỏ trứng dần bị vôi hóa trở nên bớt cứng hơn. Việc vỏ trứng ngỗng dày và cứng sẽ khiến ngỗng con khó mổ vỏ để ra ngoài, làm mát trứng giúp vỏ bớt cứng để ngỗng con khi nở sẽ mổ vỏ dễ dàng hơn. Đây mới chính là mục đích chính của việc làm mát trứng hàng ngày.
Xem thêm: Ngỗng có tự ấp trứng không
Không làm mát trứng có nở được không
Vỏ trứng ngỗng khá dày và cứng, nếu bạn không làm mát trứng khi ấp sẽ khiến ngỗng con đến ngày nở khó mổ vỏ để nở ra. Tất nhiên, vẫn có những trứng có thể mổ vỏ ra được mặc dù không làm mát trứng nhưng tỉ lệ này rất thấp chỉ khoảng dưới 10%. Với tỉ lệ thấp như vậy thường các bạn ấp ít sẽ thấy trứng gần như không nở được quả nào. Sau một hai lần ấp là hết mùa ngỗng đẻ nên nhiều người ấp trứng ngỗng bằng máy khẳng định “ấp máy không ăn thua”.
Xử lý thế nào nếu ngỗng không mổ vỏ được
Nếu đến ngày trứng nở các bạn mới phát hiện mình không làm mát trứng hoặc làm mát trứng không đúng cách thì phải xử lý như thế nào. Cách thì có nhưng thành công hay không thì Mactech cũng không dám khẳng định vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu bạn gặp trường hợp quên không làm mát trứng ngỗng khi ấp, đến ngày trứng nở các bạn hãy lưu ý soi trứng, nếu thấy túi khí ở đầu to của quả trứng mở rộng chiếm tới 30% thể tích bên trong quả trứng thì tức là trứng sắp nở. Đầu của ngỗng con đang ở vị trí đầu nhỏ của quả trứng sẽ lộn dần về phía đầu to đâm thủng túi khí và đục vỏ trứng để ra ngoài. Lúc này bạn có thể cân nhắc đục một lỗ ở vị trí đầu to của quá trứng để ngỗng con khi nở không bị chết ngạt bên trong.
Sau khi đục đầu to của quả trứng, bạn để trứng nở tự nhiên. Quả nào nở được tự nhiên bạn cứ để tự nở (tự đạp vỏ ra ngoài), quả nào không nở được tự nhiên bạn bóc dần vỏ trứng từ vị trí đã đục vỏ ban đầu. Nếu thấy trong trứng còn nước thì không bóc nữa, nếu thấy trong trứng đã khô hết nước thì nhẹ nhàng bóc vỏ để ngỗng con nở ra ngoài. Cách xử lý này hơi mất công sức và không thành công được 100% nhưng sẽ cứu được một cơ số trứng. Thà làm vật để nở được vài trứng còn hơn là không nở được trứng nào.