Trứng ngan, trứng vịt, trứng ngỗng là ba loại trứng thủy cầm rất quen thuộc trên thị trường. Trứng thủy cầm có đặc điểm là quả khá to, vỏ dày và khi ăn hơi có mùi tanh đặc trưng. Khi ấp trứng thủy cầm bằng máy ấp, các bạn cũng cần phải ấp đúng cách với mức nhiệt độ phù hợp và phải làm mát trứng trong quá trình ấp. Việc làm mát trứng thường phải diễn ra từ ngày ấp thứ 12 đến ngày trứng nở, mỗi ngày làm mát trứng một đến hai lần. Chính vì khá mất công khi phải làm mát trứng nên nhiều bạn thắc mắc tại sao cần làm mát trứng ngan khi ấp mà trứng gà thì lại không.
Tại sao cần làm mát trứng ngan khi ấp (vịt xiêm)
Như vừa nói trên, trứng ngan là trứng thủy cầm nên so với các loại gia cầm khác trứng thường có kích thước lớn hơn, vỏ dày hơn. Khi ấp trứng ngan, từ ngày ấp thứ 12 đến ngày trứng nở các bạn cần phải làm mát trứng định kỳ mỗi ngày một đến hai lần. Việc làm mát trứng này có mục đích giúp vỏ trứng bớt cứng hơn để khi trứng nở ngan con dễ mổ vỏ và dễ đạp vỏ ra ngoài. Còn trứng gà, vỏ trứng vốn dĩ không dày và tương đối dễ vỡ nên không cần phải làm mát.
Xem thêm: Trứng ngan ấp bao nhiêu ngày nở
Về vấn đề tại sao làm mát trứng mà lại giúp vỏ trứng bớt cứng hơn thì các bạn cần phải biết cách làm mát trứng. Để làm mát trứng phải xịt nước vào vỏ trứng để làm ướt vỏ trứng. Sau khi xịt nước không lau khô mà để trứng khô tự nhiên. Quá trình làm mát trứng này diễn ra tương đối nhiều lần, nếu bạn có thời gian thì một ngày làm mát hai lần, nếu không ít nhất cũng phải làm mát trứng một lần mỗi ngày. Từ ngày ấp thứ 12 đến ngày nở (33 ngày) các bạn sẽ làm mát trogn khoảng 20 ngày liên tục. Việc vỏ trứng hàng ngày bị dính nước rồi lại tự khô sẽ khiến vỏ dần bị vôi hóa do lớp vỏ này được cấu tạo bằng canxi và phốt pho. Khi lớp vỏ dần bị vôi hóa sẽ không cứng như trước nữa, nhờ đó ngan con khi nở sẽ dễ mổ vỏ và đạp vỏ trứng để nở ra hơn.
Không làm mát trứng có nở được không
Nhiều bạn chưa hiểu việc làm mát trứng để làm gì nên làm mát sai cách, cũng có bạn làm mát theo kiểu để trứng ra ngoài cho mát rồi cho vào ấp tiếp. Làm mà sai cách hoặc không làm mát trứng không phải là không nở được mà tỉ lệ nở sẽ tương đối thấp. Bình thường nếu để ngan ấp tự nhiên, tỉ lệ nở vào khoảng 50 – 60%, ngan mẹ vẫn sẽ là mát trứng trong quá trình ấp. Ấp bằng máy nếu ấp tốt, làm mát đúng cách tỉ lệ nở có thể đạt 70 -80%. Nếu làm mát sai cách hoặc không làm mát, tỉ lệ nở thường chỉ đạt 10 – 20%. Nói thêm về việc ngan mẹ làm mát trứng, khi ngan mẹ đi ăn sẽ xuống nước hoặc đầm nước khiến cơ thể bị ướt. Khi vào ấp tiếp, nước trên cơ thể của ngan mẹ dính vào trứng khiến trứng bị ướt và đó chính là cách làm mát trự nhiên khi ấp của ngan hay thủy cầm nói chung.
Xem thêm: Nhiệt độ ấp trứng ngan
Thực tế khi ấp, có trường hợp không làm mát trứng hoặc làm mát trứng không đúng cách nhưng tỉ lệ nở vẫn được 40 – 50%. Trường hợp này có nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, có hai ý kiến được nhiều người đồng tình. Thứ nhất là việc không làm mát trứng mà tỉ lệ nở vẫn cao do bản thân vỏ trứng không được cứng ngay từ ban đầu. Có thể do chế độ ăn uống hoặc do giống ngan mà vỏ trứng không quá dày dẫn đến việc không làm mát trứng nhưng vẫn nở được bình thường. Ý kiến thứ hai nhiều bạn cho rằng việc trứng nở được tốt do phôi, chỉ cần ấp đúng cách và phôi khỏe thì tỉ lệ nở vẫn có thể đạt được đến gần 50%.
Về vấn đề này, Mactech thấy rằng ý kiến đầu tiên sẽ đúng hơn. Việc chăn nuôi ngan đẻ liên quan đến nhiều vấn đề từ môi trường, thức ăn cho đến giống ngan. Vậy nên nếu ban đầu trứng ngan đã gặp tình trạng vỏ mỏng nhưng không bị mỏng quá thì những trứng đó nếu ấp thường lại dễ nở hơn. Những trứng dạng này kể cả không làm mát thì vẫn có tỉ lệ nở tương đối tốt. Còn ý kiến thứ hai, Mactech thấy việc phôi khỏe cũng không thể quyết định được tỉ lệ nở. Nguyên nhân vì trứng trước khi ấp đã phải chọn những quả “đẹp”, vì thế chất lượng phôi thường cũng ở mức khá tốt trở lên. Vậy nhưng nhiều người ấp trứng ngan không ấp đúng cách trứng vẫn không nở được quả nào, thậm chí không đục vỏ được quả nào. Từ đó có thể thấy việc làm mát trứng ngan khi ấp rất quan trọng, nó quyết định tương đối lớn đến tỉ lệ nở của trứng khi ấp.