Nhiều bạn muốn chế tạo máy ấp trứng gà tại nhà vừa vì đam mê mày mò làm máy ấp vừa để phục vụ nhu cầu ấp trong gia đình với chi phí rẻ. Bài viết này Mactech sẽ giới thiệu với các bạn về cách chế tạo máy ấp trứng gà để máy có thể ấp tốt với chi phí phải chăng.
Chế tạo máy ấp trứng gà cần những gì
Để tự chế tạo máy ấp trứng gà các bạn cần tìm hiểu về cấu tạo máy ấp trứng sau đó mới quyết định nên làm máy ấp trứng như thế nào. Cấu tạo máy ấp trứng cơ bản gồm có:
- Vỏ máy với tác dụng cách nhiệt, giữ nhiệt cho buồng ấp. Vỏ máy các bạn có thể làm bằng thùng xốp hoặc làm bằng gỗ đều được, đây đều là những vật liệu sẵn có các bạn có thể tận dụng.
- Bóng đèn tạo nhiệt cho buồng ấp. Bóng đèn tạo nhiệt bạn có thể mua loại bóng đèn sợi đốt hoặc bóng đèn chuyên dụng để tạo nhiệt. Nếu mua bóng sợi đốt chi phí sẽ rẻ hơn vì bóng sợi đốt giá chỉ 10 – 15 ngàn đồng.
- Quạt gió giúp nhiệt độ trong buồng ấp được đồng đều. Quạt gió này là loại quạt thổi nhỏ bán khá nhiều trên thị trường. Bạn cũng có thể đặt mua quạt loại tốt của các hãng bán máy ấp (có bảo hành) hoặc mua online trên shopee với giá vài chục ngàn.
- Khay nước để tạo ẩm cho buồng ấp. Khay nước này bạn có thể dùng các vật dụng chứa nước được như khay nhựa, bát hay các hộp nhựa.
- Mạch điều khiển nhiệt + cảm biến để điều chỉnh nhiệt độ trong máy ấp. Bộ điều khiển máy ấp bạn có thể chọn mua loại giá rẻ bán trên thị trường hoặc mua của Mactech. Loại giá rẻ bán trên thị trường là mạch nhập từ Trung Quốc giá chỉ khoảng 300k, mạch điều khiển của Mactech do công ty chế tạo giá 650k.
- Hệ thống đảo trứng tự động nếu cần. Hệ thống đảo trứng tự động giúp các bạn không phải đảo trứng bằng tay hàng ngày. Bộ đảo trứng này bạn cũng có thể mua lẻ bên ngoài có một số đơn vị có bán. Nếu bạn tự chế được cơ chế đảo trứng tự động hoặc bán tự động thì không phải mua nữa.
Cách làm
Với các linh kiện ở trên, cách chế tạo máy ấp trứng gà cũng rất đơn giản. Bạn chỉ cần lắp máy theo sơ đồ cơ bản sau đó cho máy chạy thử. Đo nhiệt độ trong máy và điều chỉnh dần sao cho nhiệt độ trong máy được đồng đều là ok. Cụ thể như sau:
Bước 1: Làm vỏ máy
Vỏ máy làm bằng thùng xốp hay gỗ đều được nhưng yêu cầu vỏ máy có một số lỗ thông khí chứ không được làm kín hoàn toàn. Lỗ thông khí không cần to mà chỉ cần nhỏ cũng được, trứng vẫn cần không khí để thở nên nếu làm kín trứng sẽ bị chết ngạt.
Bước 2: Lắp đèn, quạt, cảm biến + mạch điều khiển, khay nước
Lắp các linh kiện theo sơ đồ sau để khi máy hoạt động nhiệt độ trong máy sẽ đồng đều bên trong. Nguyên lý cơ bản là quạt sẽ thổi không khí qua bóng đèn để không khí được làm nóng, không khí nóng theo luồng gió đến mọi vị trí trong buồng sấy. Cảm biến nhiệt độ sẽ được đặt ở vị trí ấp hoặc một vị trí mà bạn thấy nhiệt độ ở đó có thể đại diện cho nhiệt độ của cả buồng sấy.
Cho khay nước vào trong máy như ở sơ đồ, khay nước ở vị trí đó có gió thổi qua, có nhiệt độ ảnh hưởng bởi bóng nhiệt nên sẽ tăng độ bay hơi tạo ẩm cho máy ấp. Bạn cũng có thể để khay nước ở vị trí khác nhưng hiệu quả bay hơi sẽ không bằng được ở vị trí như trong sơ đồ.
Bước 4: Cho máy chạy thử
Lắp đặt xong các bạn bật máy để máy chạy thử. Quạt gió trong máy các bạn bật cho chạy 24/24. Bộ điều khiển sẽ hoạt động theo cài đặt của người dùng. Ấp trứng gà nên các bạn hãy bật bảng điều khiển lên và cài đặt nhiệt độ ấp 37,5 độ. Hãy cho máy chạy một lúc đến khi máy lên đủ nhiệt như bảng điều khiển báo rồi kiểm tra nhiệt độ trong máy.
Bước 5: Kiểm tra nhiệt độ, điều chỉnh lại máy nếu cần
Sau khi máy chạy thử việc kiểm tra lại nhiệt độ trong máy để điều chỉnh rất cần thiết. Với các hãng máy ấp, khi thiết kế cũng đã tính đến vấn đề này và có điều chỉnh chuẩn nhiệt độ. Các máy sau này làm đại trà sẽ theo mẫu máy chuẩn. Nhưng máy của các bạn là máy chưa chuẩn nên cần đo nhiệt độ để điều chỉnh cho chuẩn thì mới ấp được.
Để đo nhiệt độ các bạn chuẩn bị một vài nhiệt kế thủy ngân (có nhiều nhiệt kế đo đỡ mất công, không có nhiều thì đo làm nhiều lần). Nhiệt kế thủy ngân các bạn vẩy cho nhiệt kế xuống dưới 35 độ rồi cho vào trong vỏ nhựa của nhiệt kế. Đặt nhiệt kế ở vị trí cần đo trong máy (thường là vị trí đặt trứng để ấp), cho máy hoạt động bình thường lên đủ nhiệt và đo trong 30 phút. Lấy nhiệt kế ra ghi kết quả, tiếp tục lặp lại bước trên nhưng đo ở vị trí khác, nên đo ở nhiều vị trí khác nhau trong máy để đánh giá mức nhiệt độ trong máy. Ghi lại kết quả để phân tích:
- Nếu nhiệt độ cài đặt 37.5 mà đo được nhiệt độ của tất cả các vị trí dao động khoảng 37.3 – 38 độ là bình thường. Nếu nhiệt độ ở các vị trí đo bị thấp hơn mức 37.3 thì máy bị kém nhiệt, nhiệt độ cao hơn 38 thì máy đang bị nóng quá. Tùy vào nhiệt độ đo được mà các bạn có thể cân nhắc tăng giảm nhiệt độ cài đặt cho phù hợp.
- Nếu nhiệt độ ở các vị trí đo không chênh lệch nhau nhiều (trên dưới 0,5 độ) tức là mức độ đồng đều nhiệt tốt. Nếu nhiệt độ chênh lệch nhau nhiều bạn phải điều chỉnh lại vị trí quạt, bóng nhiệt để nhiệt độ đồng đều hơn.
- Sau khi điều chỉnh xong, tiếp tục đo lại sao cho nhiệt độ ở các vị trí ấp trứng đồng đều và chỉ dao động trong khoảng 37.3 – 38 độ là được.
Bước 6: Ấp thử trứng, tiếp tục điều chỉnh máy nếu cần
Sau khi đã điều chỉnh được máy ấp cho nhiệt độ đồng đều và điều chỉnh được nhiệt bị sai lệch do cảm biến bị sai số, các bạn bắt đầu ấp thử trứng, ban đầu hãy ấp ít trứng để theo dõi kiểm tra. Giai đoạn đầu ấp trứng gà khá dễ, bạn chỉ cần theo dõi xem phôi trứng có bị hỏng nhiều không. Giai đoạn cuối (ngày 17 – ngày 20) các bạn soi trứng để xem trứng có dấu hiệu nở hay chưa. Dấu hiệu nở là khi túi khí ở đầu to quả trứng mở rộng chiếm thể tích tới 25 – 30% của trứng. Lúc này có vài trường hợp xảy ra, các bạn căn cứ theo các trường hợp này để điều chỉnh:
- Nếu trước ngày ấp 18 đã có dấu hiệu nở thì khả năng trứng bị nở sớm do thừa nhiệt, hãy giảm nhiệt độ thấp xuống 0,1 – 0,2 độ.
- Nếu ngày 18 có dấu hiệu nở thì bình thường, ngày 19 trứng có thể mổ vỏ, ngày 20 nở là đẹp.
- Nếu ngày 18, 19 chưa có dấu hiệu nở, hãy tăng nhiệt thêm 0,2 độ để kích thích cho trứng nở sớm nếu không sẽ bị muộn.
- Sau khi điều chỉnh nhiệt độ, các lần ấp sau giữ nguyên nhiệt độ đã điều chỉnh để ấp.
- Tiếp tục theo dõi và điều chỉnh nhiệt độ của máy trong các lần ấp tiếp theo cho đến khi đạt đến độ ổn định với tỉ lệ nở cao là được.
Lưu ý
Cách chế tạo máy ấp trứng gà rất đơn giản và chi phí cũng rẻ, nhưng công sức các bạn bỏ ra để điều chỉnh sai số cho máy, điều chỉnh độ đồng đều nhiệt rất mất thời gian. Nếu bạn là người có đam mê làm máy và thích mày mò tìm hiểu thì bạn có thể thử sức. Còn nếu bạn muốn hiệu quả kinh tế nhất thì nên mua máy đã được công ty làm sẵn, các máy này đã được chuẩn hóa nhiệt độ để ấp tốt. Bạn chỉ cần điều chỉnh một hai lần ấp đầu là các lần sau ấp sẽ ổn định và cho tỉ lệ nở cao.