Nhiều bạn muốn làm máy ấp trứng tự chế thường thắc mắc về cấu tạo máy ấp trứng và nguyên lý hoạt động của máy. Mactech cũng đã giải thích cho không ít bạn về cấu tạo và nguyên lý để các bạn có thể tự làm máy ấp trứng tại nhà. Trong bài viết này, Mactech sẽ giải thích qua về cấu tạo máy ấp trứng, các chức năng và nguyên lý hoạt động cơ bản. Các bạn nếu đang muốn tự chế máy ấp trứng thì có thể căn cứ vào nguyên lý cơ bản này để làm máy ấp trứng bằng bóng đèn và thùng xốp rất đơn giản.
Nguyên lý hoạt động của máy ấp trứng
Máy ấp trứng hoạt động trên nguyên lý tạo môi trường phù hợp nhất cho phôi trứng phát triển. Các điều kiện phù hợp để phôi trứng phát triển gồm có nhiệt độ, độ ẩm và độ thoáng khí. Phôi trứng thường sẽ phát triển theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn khác nhau sẽ cần nhiệt độ khác nhau, độ ẩm khác nhau và lượng không khí để phôi hô hấp khác nhau. Chỉ cần máy ấp đáp ứng được các điều kiện trên, trứng sẽ có tỉ lệ nở cao, con khỏe mạnh.
Để đáp ứng được vấn đề về nhiệt độ, thường các máy ấp trứng đều có buồng ấp có khả năng cách nhiệt và bóng nhiệt để tăng nhiệt độ trong buồng ấp. Để đảm bảo vấn đề về độ ẩm, thường sẽ có bộ tạo ẩm hoặc đơn giản là đặt khay nước trong buồng ấp cho nước tự bay hơi là đủ độ ẩm. Về mặt thoáng khí, các loại máy ấp thường phải thiết kế kín để nhiệt độ bên trong không bị thất thoát ra bên ngoài. Tuy nhiên, để đảm bảo mặt thoáng khí nên hầu hết các dòng máy hiện nay đều không làm kín hoàn toàn và có ít nhất một vài lỗ thoáng để thông gió, thoát nhiệt khi nhiệt độ trong buồng ấp tăng cao.
Cấu tạo máy ấp trứng và các chức năng cơ bản
Với nguyên lý hoạt động như trên, cấu tạo máy ấp trứng trên cơ bản có 3 bộ phận sau:
Buồng ấp: đây là bộ phận không thể thiếu trên máy ấp trứng, buồng ấp giúp giữ nhiệt độ bên trong ổn định để phôi trứng phát triển tốt. Buồng ấp có thể được làm từ nhiều chất liệu khác nhau từ thùng xốp, gỗ, tấm cách nhiệt, xốp cách nhiệt, … Buồng ấp thường được thiết kế không kín hoàn toàn mà vẫn phải có khe hở để đảm bảo thoáng khí cho phôi trứng hô hấp.
Bóng nhiệt: bóng nhiệt là nguồn cung cấp nhiệt độ trong buồng ấp. Bóng nhiệt có thể sử dụng bóng đèn sợi đốt hoặc bóng nhiệt halogen chuyên dụng. Khi bóng được cấp điện sẽ sản sinh ra nhiệt làm nhiệt độ trong buồng ấp tăng lên. Để giữ cho nhiệt độ trong buồng ấp được ổn định thường bóng nhiệt được điều khiển bởi một mạch điện tử hoặc phải thiết kế buồng ấp có các lỗ thoát khí để nhiệt độ bên trong luôn ổn định.
Bộ tạo ẩm: bộ tạo ẩm trong máy ấp trứng cũng không thể thiếu giúp cung cấp đủ độ ẩm cho phôi phát triển. Bộ tạo ẩm đơn giản có thể sử dụng một khay đựng nước đặt trong buồng ấp là được. Nếu độ ẩm không đủ có thể cho thêm khay nước hoặc dùng các biện pháp khác như dùng bộ tạo ẩm tự động, dùng quạt gió thổi vào khay nước để tăng độ bay hơi, cho khăn bông vào khay nước hay để khay nước gần bóng nhiệt …
Ngoài 3 bộ phận không thể thiếu trên, máy ấp trứng còn có thể tích hợp nhiều bộ phận khác giúp tự động hóa quá trình ấp trứng như hệ thống tự đảo trứng, quạt tản nhiệt, quạt quá nhiệt, bộ tạo ẩm tự động, mạch điều khiển… Nếu bạn không tích hợp các bộ phận khác thì thường bạn sẽ phải thực hiện chức năng của các bộ phận này một cách thủ công.
Chú ý: một số loại trứng cần làm mát như trứng các loại thủy cầm (ngan, vịt, ngỗng) thì quá trình làm mát trứng các bạn cần thực hiện thủ công chứ hiện nay cũng chưa có hãng nào tích hợp hệ thống làm mát trứng thủy cầm tự động
Như vậy, với cấu tạo máy ấp trứng và nguyên lý hoạt động vừa nêu trên, các bạn có thể căn cứ vào đó để tự chế máy ấp trứng tại nhà với các vật liệu dễ tìm như thùng xốp và bóng đèn. Chi tiết về cách làm Mactech cũng đã hướng dẫn trong những bài viết khác nhưng quan trọng nhất vẫn là bạn cần hiểu được nguyên lý hoạt động và tác dụng của các thiết bị trong máy ấp trứng.