Chăn nuôi vịt hiện đang là một hướng đi tốt cho hiệu quả kinh tế cao. Rất nhiều bạn hiện nay đang có mong muốn chuyển sang nuôi vịt thịt với những giống vịt siêu thịt có thời gian nuôi ngắn ngày. Để hoạch toán chi phí chăn nuôi vịt có khá ít thông tin vì nuôi vịt thường kết hợp với nuôi thả tự do và cho ăn thêm thức ăn ngoài. Chính vì thế nên có khá nhiều bạn thắc mắc chi phí nuôi 100 con vịt bao nhiêu để có kế hoạch chăn nuôi cụ thể. Trong bài viết này, Mactech sẽ đưa ra hoạch toán chi phí nuôi vịt thịt để các bạn có kế hoạch chăn nuôi hợp lý nhất.
- Chi phí nuôi 100 con gà bao nhiêu
- Kinh nghiệm cho gà ấp trứng
- Cách làm ổ cho gà ấp
- Gà con bao lâu thì tách mẹ
- Độ ẩm thích hợp cho máy ấp trứng gà
Chi phí nuôi 100 con vịt
Khi hoạch toán chi phí nuôi 100 con vịt các bạn cần biết khi nuôi vịt có những khoản chi phí nào để hoạch toán. Trên cơ bản, các khoản chi phí chính khi nuôi vịt gồm:
- Chuồng trại: chi phí chuồng trại rất khó hoạch toán nhưng thường chúng ta sẽ quy vào chi phí đầu tư ban đầu nên không tính vào chi phí nuôi.
- Con giống: con giống hiện nay được bán với giá từ 18.000 – 25.000 đ/con tùy giống và tùy nơi bán. Nếu bạn mua giống ở các trại vịt bên ngoài thì giá khá rẻ chỉ khoảng 18.000 – 20.000 đ/con. Nếu bạn mua giống ở trong trang trại sẽ cho giống chuẩn hơn giá vào khoảng 20.000 – 25.000 đ/con. Như vậy, nuôi 100 con vịt các bạn sẽ mất trung bình khoảng 2 triệu đồng tiền mua giống.
- Điện nước: điện nước cũng là một chi phí rất khó tính vì nó rải rác trong suốt quá trình nuôi. Thông thường, kể cả tiền điện úm vịt con và nước uống các hộ chăn nuôi sẽ hoạch toán vào khoảng 200.000 – 300.000 đ. Tiền điện nước này là tính chung cho toàn thời gian nuôi vịt từ khi mua giống đến khi bán (45 – 50 ngày)
- Thức ăn: vấn đề thức ăn đã được rất nhiều người nuôi vịt khẳng định là nếu cho ăn cám công nghiệp 100% thì sau 45 – 50 chắc chắn sẽ xuất bán được với trọng lượng vịt khoảng trên dưới 3 kg/con. Nếu bạn nuôi kết hợp với thức ăn ngoài thì thời gian nuôi sẽ phải dài hơn đến 60 ngày. Do đó, chi phí tiền cám gần như cũng tương đương với nuôi hoàn toàn bằng cám công nghiệp. Tính trung bình mỗi con vịt đến khi xuất bán ăn hết khoảng 8 – 9 kg/cám. Giá cám công nghiệp cho vịt trung bình 10.000 đ/kg. Như vậy, nuôi 100 con vịt sẽ tốn khoảng 8 – 9 triệu đồng tiền thức ăn.
- Nhân công: nuôi 100 con vịt theo quy mô hộ gia đình thì chỉ cần 1 nhân công cũng đủ. Vậy nên tiền lãi bán vịt có thể coi như là tiền công bạn nuôi.
- Thuốc thú y: thuốc thú y cho vịt tùy các bạn tiêm đầy đủ các loại vắc xin hay chỉ tiêm những loại cơ bản. Trung bình chi phí thuốc thú y cho vịt vào khoảng 1.000 – 5.000 đ/con. Đàn vịt 100 con sẽ tốn khoảng 100.000 – 500.000 tiền thuốc thú y.
Như vậy, tổng chi phí để nuôi 100 con vịt sẽ gồm các khoản chi phí chính là con giống + điện nước + thức ăn + thuốc thú y. Cộng tổng chi phí nuôi 100 con vịt là khoảng 10.300.000 – 11.800.000 đ.
Nuôi vịt liệu có lãi nhiều không
Với chi phí nuôi vịt như trên, nếu các bạn hỏi nuôi vịt thịt liệu có lãi nhiều hay không thì câu trả lời nằm ở giá thị trường. Nếu bán được giá cao thì cũng có lãi tương đối tốt, nếu giá thấp thì có khi chỉ hòa vốn. Ví dụ giá bán vịt cao được 46.000 đ/kg thì khi nuôi 100 con vịt trọng lượng trung bình 3,2 kg/con sẽ bán được 3,2 x 100 x 46.000 = 14.720.000. Trừ đi chi phí nuôi 10.300.000 – 11.800.000 đ thì lãi được khoảng 2.900.000 – 4.400.000 đ (thời gian nuôi khoảng 50 ngày).
Ví dụ giá vịt khi thấp chỉ được khoảng 38.000 đ/kg thì tiền bán vịt chỉ được khoảng 12.160.000 đ. So với chi phí nuôi vịt bỏ ra ban đầu thì gần như là không có lãi. Vậy nên tùy theo giá vịt trên thị trường cao hay thấp mà nuôi vịt sẽ lãi nhiều hay ít.
Với cách tính chi phí nuôi 100 con vịt ở trên, có thể sẽ có một số điểm sai sót nên các bạn hãy căn cứ vào thực tế khi nuôi để hoạch toán chi phí cho chuẩn xác nhất. Một lưu ý nhỏ là hoạch toán bên trên vẫn chưa tính hao hụt và rủi ro từ dịch bệnh. Do đó, khi nuôi vịt các bạn nên chú ý chăn nuôi đúng kỹ thuật và áp dụng nguyên tắc 3 sạch: ăn sạch, uống sạch, ở sạch để đảm bảo vịt luôn khỏe mạnh, lớn nhanh, không bị bệnh và giảm hao hụt ở mức thấp nhất.