Nếu bạn đang có ý định ấp trứng bằng bóng đèn thì nên xem ngay bài viết này. Trong bài viết này, Mactech sẽ hướng dẫn các bạn kỹ thuật ấp trứng gà thủ công bằng bóng đèn và những lưu ý khi ấp để có tỉ lệ nở cao nhất. Những điều quan trọng trong kỹ thuật ấp trứng này chính là nhiệt độ, kiểm tra nhiệt độ và đo nhiệt độ. Nói chung, quan trọng nhất vãn là nhiệt độ ấp.
- Máy ấp trứng gà giá rẻ, một số lưu ý khi chọn mua
- Máy ấp trứng gia đình, chọn loại máy nào cho phù hợp
- Máy ấp trứng gà vịt Mactech, một số lưu ý khi ấp trứng gà và trứng vịt
- Giá máy ấp trứng gà mini là bao nhiêu, tham khảo giá từ Mactech
Kỹ thuật ấp trứng gà thủ công bằng bóng đèn
Ấp trứng gà thủ công bằng bóng đèn tương đối dễ và chỉ cần hiểu nguyên lý thì ai cũng có thể làm được. Nguyên lý ấp trứng gà bằng bóng đèn là dùng bóng đèn tạo nhiệt độ thích hợp cho trứng phát triển. Ngoài ra, cũng cần tạo độ ẩm và không khí lưu thông giúp trứng phát triển tốt nhất. Nhiệt độ thích hợp để phôi trứng gà phát triển là 37,5 độ C, độ ẩm khoảng 50%.
Khi ấp trứng gà thủ công bằng bóng đèn, các bạn vẫn phải đảm bảo thực hiện từ khâu chọn trứng cho đến chuẩn bị buồng ấp trứng bằng bóng đèn, đảo trứng, soi trứng.
Chọn trứng
Khi ấp trứng các bạn nên chọn trứng có kích thước đồng đều nhau, trứng không bị nứt, rạn hay móp méo. Khi chọn trứng xong, các bạn lấy khăn khô, mềm lau qua vỏ trứng để đảm bảo trứng sạch và không bị các mầm bệnh bám trên vỏ trứng. Nếu trứng chưa ấp ngay các bạn cần bảo quản nơi mát mẻ và ấp sớm nhất có thể để đảm bảo phôi phát triển tốt nhất.
Chuẩn bị buồng ấp
Khâu chuẩn bị buồng ấp rất quan trọng quyết định nhiều đến tỉ lệ nở của trứng. Ở bước này, các bạn cần làm một máy ấp trứng tự chế bằng bóng đèn và thùng xốp. Các nguyên liệu cơ bản gồm có một thùng xốp, một bóng đèn sợi đốt 25W, một quạt gió 12W, một khay đựng nước, nhiệt kế, ẩm kế. Cách lắp đặt các bạn hãy tham khảo thêm trên các video hoặc hướng dẫn trên internet tuy nhiên nguyên lý của buồng ấp phải đảm bảo được các yếu tố là nhiệt độ trong buồng ấp tương đối đồng đều, ổn định, độ ẩm khoảng 50% và có ít nhất một vài lỗ thông gió để có không khí lưu thông.
Để điều chỉnh được nhiệt độ buồng ấp tương đối đồng đều và ổn định các bạn hãy dùng nhiệt kế để đo và điều chỉnh. Để đảm bảo độ ẩm khoảng 50% các bạn dùng ẩm kế để đo. Còn các lỗ thông gió thì chỉ cần đục vài lỗ nhỏ ở bên hông của thùng xốp là được.
Cho trứng vào ấp
Sau khi buồng ấp đã chuẩn bị xong, các bạn cho trứng vào buồng ấp. Trải một lớp trấu dày bên dưới đáy thùng xốp để trứng có thể cố định được vị trí và không bị lăn đi. Đặt trứng bên trong thùng xốp ở những vị trí có nhiệt độ đo được gần với 37,5 độ C nhất. Đầu to của trứng hướng lên trên và đặt trứng nghiêng một góc 30 độ.
Đảo trứng
Khi phôi trứng phát triển, nếu không đảo trứng thì phôi có khả năng bị dính vào vỏ trứng dẫn đến chết phôi. Do đó, bạn phải chú ý đảo trứng 3 – 4 lần một ngày. Cách đảo trứng rất đơn giản, trứng ban đầu để nghiêng 30 độ. Bạn chỉ cần để trứng nghiêng 30 độ theo chiều ngược lại là được. Do có lớp trấu bên dưới nên việc đặt nghiêng trứng rất dễ dàng.
Soi trứng
Trong quá trình ấp trứng gà, các bạn cần phải soi trứng định kỳ để xem sự phát triển của phôi. Các trứng bị chết phôi hoặc phôi không phát triển được sẽ bị loại ra để chỗ ấp trứng mới. Việc soi trứng khá đơn giản, bạn chỉ cần dùng một đèn pin siêu sáng áp sát vào trứng rồi đặt trong vùng tối là sẽ nhìn thấy phôi trứng bên trong rất dễ dàng. Thường trứng gà sẽ soi trứng định kỳ vào ngày thứ 7, ngày thứ 14 và 18.
Đo nhiệt độ, độ ẩm
Trong suốt quá trình ấp trứng, các bạn nên chú ý đặt nhiệt kế ở các vị trí khác nhau trong buồng ấp và kiểm tra nhiệt kế định kỳ để đảm bảo nhiệt độ trong buồng ấp được đồng đều không bị nóng quá, mát quá. Nếu nhiệt độ bị chênh lệch nhiều, bạn nên có biện pháp điều chỉnh ngay. Ngoài ra, cũng nên kiểm tra ẩm kế để đảm bảo độ ẩm bên trong thùng xốp không quá thấp.
Khi trứng sắp nở
Khi trứng gà sắp nở vào khoảng ngày 19 thì các bạn không đảo trứng nữa. Khi trứng bắt đầu có dấu hiệu khẻ mỏ (bổ vỏ) thì chú ý theo dõi trứng nở. Sau khi trứng nở được khoảng 3 – 4 tiếng, các bạn thấy lông của gà đã khô thì cho ra lồng úm để úm gà con.
Lưu ý khi ấp trứng gà thủ công bằng bóng đèn
Bước quan trọng nhất khi ấp trứng gà thủ công bằng bóng đèn chính là điều chỉnh nhiệt độ ấp. Các bạn chú ý đo nhiệt độ trong buồng ấp thì sử dụng nhiệt kế y tế và để nguyên cả vỏ nhựa để đo chứ không bỏ nhiệt kế ra bên ngoài.
Một chú ý khác là nhiệt kế chỉ đo được nhiệt độ cao nhất ở vị trí đó mà không đo được nhiệt độ thấp nhất. Vì thế, bạn cần đo nhiệt độ ở một vị trí với thời gian đo dài ngắn khác nhau 15p, 30p, 60p để biết sự dao động nhiệt độ tại một vị trí. Đo nhiều vị trí khác nhau để nắm được sự phân bổ nhiệt bên trong buồng ấp từ đó có điều chỉnh phù hợp.
Khi trứng nở đúng ngày ấp thứ 20 tức là trứng nở đúng ngày. Nếu trứng nở trước ngày 20 là nở sớm và nở sau ngày 20 là nở muộn. Nếu trứng nở vào khoảng ngày 19 thì vẫn có thể chấp nhận được tuy nhiên nếu nở trước ngày 19 thì là nở sớm. Nếu trứng nở sớm hoặc nở muộn gà con sẽ phát triển không được đầy đủ dẫn đến bị dị tật. Do đó, cần xử lý ngay khi thấy trứng nở sớm hoặc nở muộn.
- Nếu trứng nở sớm trước ngày 19 thì thường do thừa nhiệt. Bạn hãy đặt trứng vào các vị trí có nhiệt độ thấp hơn trong buồng ấp hoặc tạo thêm một lỗ thoát khí để nhiệt độ trong buồng ấp giảm bớt một chút.
- Nếu trứng hết ngày 20 chưa nở thường do thiếu nhiệt. Bạn hãy xem xét để tăng nhiệt độ buồng ấp lên một chút bằng cách bịt bớt một lỗ thoát khí trên thùng xốp sẽ giúp nhiệt độ cao hơn một chút và trứng sẽ nở sát ngày hơn.
Với những hướng dẫn trên, hi vọng các bạn đã nắm được kỹ thuật ấp trứng gà thủ công bằng bóng đèn. Nếu vẫn còn thắc mắc, hãy để lại comment để Mactech giúp bạn giải đáp. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này.