Máy ấp trứng gia cầm – Vịt con khi mới nở cần đảm bảo nhiệt độ môi trường phù hợp và chăm sóc cẩn thận để vịt có thể phát triển nhanh, không bị bệnh. Chính vì thế, khi vịt con mới nở các bạn cần phải úm vịt con để đảm bảo sức khỏe của vịt con luôn khỏe mạnh. Trong bài viết này, Mactech sẽ hướng dẫn các bạn cách úm vịt con mới nở đúng kỹ thuật.
- Vịt nuôi bao lâu thì bán
- Vịt trời đẻ bao nhiêu trứng mỗi năm
- Vịt đẻ bao nhiêu trứng mỗi năm
- Vịt biển là gì
- Vịt nuôi bao lâu thì đẻ trứng
[Video] Cách úm vịt con mới nở đúng kỹ thuật
Cách úm vịt con mới nở
Trước khi hướng dẫn chi tiết về cách úm vịt con mới nở, các bạn cần phải biết úm vịt cần yêu cầu những điểm gì. Trước tiên, úm vịt con cần làm chuồng úm để tránh gió lùa và đảm bảo nhiệt độ bên trong phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của vịt. Mật độ của vịt trong chuồng úm cũng cần đảm bảo phù hợp. Nếu chuồng úm quá rộng vừa tốn diện tích mà hiệu quả úm lại không tốt. Nếu mật độ úm quá đông sẽ khiến vịt có thể dẫm đạp lên nhau. Thức ăn và nước uống cho vịt con trong giai đoạn úm cũng cần đảm bảo phù hợp về chất và về lượng để vịt có đủ dinh dưỡng phát triển toàn diện. Sau đây là cách úm vịt con và những điểm chính các bạn cần lưu ý khi úm vịt con.
Chuồng úm vịt con
Chuồng úm vịt con tùy số lượng mà các bạn có thể dùng thùng carton hoặc quây cót làm chuồng úm đảm bảo mật độ úm cho phù hợp. Khi làm chuồng úm tốt nhất các bạn dùng cót để quây thành chuồng úm vì cót ép có giá thành rẻ, dễ mua. Hình dạng chuồng úm các bạn có thể quây tròn hoặc quây vuông đều được miễn sao đảm bảo chuồng úm có độ cao 0,5 – 0,7m.
Bên trong chuồng úm vịt cần trải chất độn chuồng (trấu) để vịt không bị lạnh chân. Chất độn chuồng cần dày từ 10 – 12 cm mới đảm bảo được tiêu chuẩn cần thiết. Bên trên chuồng úm các bạn thắp một bóng đèn hồng ngoại hoặc đèn sợi đốt 100 W để tạo nhiệt độ úm phù hợp cho vịt con. Thông thường độ cao của bóng đèn cách mặt chuồng úm là 1m nhưng trong quá trình úm các bạn có thể điều chỉnh độ cao để đảm bảo nhiệt độ úm chuẩn theo từng giai đoạn.
Nhiệt độ úm vịt phù hợp
Trong cách úm vịt con thì nhiệt độ úm rất quan trọng. Nhiệt độ úm vịt con căn cứ theo từng giai đoạn với mục đích giúp vịt thích nghi với môi trường bên ngoài. Nhiệt độ úm các bạn nên điều chỉnh vài ngày 1 lần theo các mức nhiệt độ sau:
- Từ 1 – 3 ngày tuổi: 32 – 33 độ C
- Từ 4 – 6 ngày tuổi: 30 – 31 độ C
- Từ 7 – 8 ngày tuổi: 29 – 30 độ C
- Từ 9 – 10 ngày tuổi: 28 – 29 độ C
- Từ 11 – 14 ngày: 28 độ C
Trong quá trình úm vịt, các bạn để ý sẽ thấy nếu nhiệt độ quá nóng vịt sẽ tản ra và tránh xa khu vực bóng đèn. Nếu nhiệt độ quá lạnh vịt con sẽ co cụm vào một chỗ ở vị trí dưới bóng đèn. Nếu thấy vịt con tản đều đi lại khắp trong chuồng úm tức là đủ nhiệt. Tùy vào hiện tượng của vịt mà bạn có thể điều chỉnh để vịt con có đủ nhiệt không bị nóng quá, không bị lạnh quá.
Mật độ úm vịt thích hợp
Mật độ trong chuồng úm cũng phải thích hợp theo từng giai đoạn. Do vịt con lớn khá nhanh nên các bạn cần chú ý tùy theo kích thước của vịt mà nới chuồng úm ra cho phù hợp. Thông thường, mỗi chuồng úm vịt chỉ nên úm tối đa 150 – 200 con chứ không nên úm quá nhiều. Mật độ úm các bạn nên tuân thủ theo mức tối đa như sau:
- Từ 1 – 3 ngày tuổi: 60 con/m2
- Từ 4 – 6 ngày tuổi: 40 con/m2
- Từ 7 – 8 ngày tuổi: 35 con/m2
- Từ 9 – 10 ngày tuổi: 20 con/m2
- Từ 11 – 14 ngày: 10 con/m2
- Trên 15 ngày: 4 – 6 con/m2
Thời gian chiếu sáng
Ngoài mật độ úm thì thời gian chiếu sáng cho vịt con cũng tương đối quan trọng giúp vịt phát triển tốt. Thời gian đầu các bạn nên đảm bảo chiếu sáng cho vịt 24/24 sau giảm dần cường độ chiếu sáng. Sau 4 tuần úm các bạn sử dụng ánh sáng tự nhiên để vịt thích nghi với môi trường bên ngoài.
- Thời gian chiếu sáng ở 1 – 2 tuần tuổi: chiếu sáng 24/24.
- Thời gian chiếu sáng ở 3 – 4 tuần tuổi: chiếu sáng 16 – 18 giờ.
- Thời gian chiếu sáng ở 4 tuần tuổi trở đi: không chiếu sáng nhân tạo bằng bóng đèn.
Thức ăn và nước uống
Trong giai đoạn úm vịt, cần cung cấp đủ thức ăn và nước uống cho vịt để vịt con phát triển tốt nhất trong giai đoạn này. Nước uống nên đảm bảo máng nước không bị cạn. Còn thức ăn thì nên sử dung các loại cám dành cho vịt con từ 1 – 14 ngày tuổi. Tùy theo ngày tuổi của vịt mà lượng thức ăn cho vịt con ăn cũng nên thay đổi để đảm bảo vịt ăn vừa đủ và chia là nhiều bữa trong ngày.
Thời gian úm vịt con
Như giải thích ở trên, thời gian úm vịt con chia ra làm nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn các bạn cần chú ý thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của vịt con. Còn về thời gian úm vịt con thì chuẩn là 14 ngày. Sau 14 ngày các bạn không cần úm mà có thể thả vịt vào chuồng.
Làm hồ tắm cho vịt con
Trong quá trình úm vịt con, các bạn cần làm hồ tắm cho vịt con để vịt quen với nước và khỏe mạnh hơn. Hồ tắm cho vịt con cần tách biệt với khu vực chuồng úm và cũng phải kín gió. Vịt con 4 ngày tuổi có thể bắt đầu cho tắm, lần đầu cho vịt con tắm khoảng 30 – 60 phút là đủ. Các lần sau có thể cho tắm lâu hơn. Sau khi tắm xong, các bạn lùa vịt con vào một khu vực riêng cho khô lông rồi mới cho vào chuồng úm để tránh làm ướt chất độn chuồng. Nếu bạn úm vịt trên sàn lưới thì có thể cho vịt vào chuồng úm luôn.
Để làm hồ tắm cho vịt con các bạn không cần phải đào hồ tắm mà chỉ cần xếp khoảng 2 hàng gạch, trải bạt bên trong sau đó bơm nước vào là được. Chú ý là các bạn phải bơm nước sạch vì vịt con giai đoạn này sức đề kháng còn kém dễ nhiễm bệnh. Vào mùa hè, các bạn có thể cho vịt con tắm nhiều hơn để vịt không bị nóng và phát triển tốt hơn. Các mùa khác tùy điều kiện thời tiết mà bạn cho vịt con tắm nhiều hay ít.
Như vậy, cách úm vịt con mới nở cũng giống như cách úm gà con. Trong cách úm vịt con, các bạn cần chú ý đến làm chuồng úm đúng kỹ thuật, đảm bảo nhiệt độ úm, mật độ úm và thời gian chiếu sáng phù hợp. Trong quá trình úm vịt con, các bạn cần chú ý đảm bảo tránh gió lùa và dọn vệ sinh chuồng sạch sẽ để vịt con khỏe mạnh không bị bệnh tật.