Tiếp sau bài viết Kỹ thuật chăn nuôi gà (P2), chúng tôi tiếp tục cung cấp thêm kiến thức nuôi gà đẻ trứng để giúp người chăn nuôi có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc chăn nuôi gia cầm.
Nói về kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng thì tôi nghĩ rằng người chăn nuôi cũng đã có rất nhiều kinh nghiệm có được trong quá trình chăn nuôi và học hỏi những người có kinh nghiệm khác. Tuy nhiên những kiến thức chăn nuôi căn bản đã được khoa học đưa ra thì không phải người chăn nuôi có kinh nghiệm nào cũng biết. Do vậy khi cần căn cứ từ những kiến thức cơ bản để cải thiện tình trạng chăn nuôi chưa hiệu quả thì lại không biết dựa vào đâu để thay đổi.
Trong bài viết này tôi sẽ cung cấp cho khách hàng những kiến thức căn bản nhất cho việc nuôi gà đẻ trứng để có thể giúp khách hàng chăn nuôi tốt hơn.
Kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng
1. Chọn gà giống sinh sản và mật độ nuôi phù hợp
Chọn gà giống sinh sản có thể nói là việc quan trọng nhất để nuôi gà đẻ trứng đạt kết quả tốt. Chất lượng trứng, kích thước trứng, tỉ lệ nở của trứng, số lượng trứng mỗi lứa đẻ….đều phụ thuộc vào việc chọn gà giống sinh sản.
– Chọn gà mái: chọn những con có ngoại hình phát dục biểu hiện bằng độ bóng của lông, mào tích đã đỏ, bụng mềm, xương chậu rộng.
– Chọn gà trống: chọn những con có mào to, thẳng, chân cao, hai cánh vững chắc, úp gọn trên lưng, dáng đứng vững chãi, hùng dũng.
– Tỉ lệ ghép 1 trống 8 mái, thời điểm ghép trống mái là từ lúc 20 tuần tuổi. Mật độ nuôi 4-6 con/m².
– Tỉ lệ ghép gà đông tảo là 1 trống 4 mái, kèm thêm kỹ thuật giữ gà mái cho gà trống đạp mới đạt hiệu quả cao.
2. chế độ thức ăn và nước uống
Giai đoạn nuôi gà đẻ trứng là lúc gà cần rất nhiều dinh dưỡng phù hợp để cho ra những quả trứng có chất lượng tốt, trứng đạt kích thước, vỏ đủ dày, phôi tốt…vì vậy người chăn nuôi phải quan tâm đến chế độ thức ăn phù hợp cho gà đẻ. Chúng tôi dựa trên một số tài liệu để đưa ra cho khách hàng một tiêu chuẩn về chế độ thức ăn như sau:
Thóc 12%, đỗ tương khô 4%, cám gạo 21%, proconco C21 16%, ngô 33%, bột xương 3%, bột cá 5%, bột cỏ 3%, và một số chất khác như vitamin premix, khoáng premix, methionin, lyzin.
Với tỉ lệ thức ăn như trên là dành cho gà sinh sản, nhưng trước giai đoạn sinh sản thì gà được nuôi theo chế độ gà dò nên cần phải thay đổi thức ăn một cách từ từ để gà có thể thích nghi tốt mà không gây ra tình trạng gà bỏ ăn khi gặp thức ăn lạ. 3 ngày đầu 75% thức ăn gà dò kết hợp 25% thức ăn gà đẻ, 3 ngày tiếp theo 50% thức ăn gà dò kết hợp 50% thức ăn gà đẻ, 3 ngày tiếp theo 25% thức ăn gà dò kết hợp 75% thức ăn gà đẻ, ngày thứ 10 cho ăn hoàn toàn thức ăn gà đẻ.
Dinh dưỡng thức ăn của gà trong giai đoạn này cần đạt 17 – 18% protein và 2500Kcal Me/kg thức ăn. Thường xuyên định kỳ bổ xung các loại vitamin A, D, E… để kích thích và duy trì sinh sản.
Nước uống phải đảm bảo sạch, mát, thay nước 2-3 lần một ngày.
3. Chuồng nuôi và chế độ ánh sáng
Chuồng nuôi cần đảm bảo thoáng mát về mùa hè và tránh gió, giữ ấm vào mùa đông. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi và khu vực xung quanh để đảm bảo ít bệnh tật nhất. Chất độn chuồng không bị ẩm ướt, nấm mốc và nên thay theo định kỳ. Ổ đẻ phải có lớp lót dày, sạch, tránh làm dập và bẩn trứng.
Chế độ ánh sáng cần duy trì 16h/ ngày nên ngoài ánh sáng tự nhiên ban ngày thì buổi tối cần thắp thêm đèn chiếu sáng.
4. Thu trứng và bảo quản trứng đúng cách
Nội dung phần này tôi đã đưa ra trong bài viết về cách bảo quản trứng gà để ấp, các bạn tham khảo thêm trong bài viết đó. Với thời tiết nắng nóng như mùa hè thì việc bảo quản trứng đúng cách cũng rất quan trọng để đảm bảo tỉ lệ nở tốt nhất. Với việc sử dụng máy ấp trứng thì cứ 5 hôm lại cho một mẻ trứng mới vào ấp là đảm bảo tỉ lệ nở là tốt nhất, khách hàng cũng cần chú ý điều này.
Khách hàng cần tư vấn thêm có thể gọi điện trực tiếp cho chúng tôi để được tư vấn cụ thể.
Xin chân thành cảm ơn.