Khi ấp trứng bằng máy cần phải tạo ẩm cho trứng để tránh tình trạng nước trong trứng bị bay hơi khiến lòng trắng trong trứng bị khô đặc lại, phôi trứng sẽ không phát triển được. Để tạo ẩm cho trứng trong máy ấp, có hai kiểu tạo ẩm là tạo ẩm bằng khay nước cho nước bay hơi tự nhiên, kiểu nữa là tạo ẩm tự động khiến nước bay hơi nhiều hơn bình thường. Bài viết này Mactech sẽ đưa ra các cách tạo ẩm cho máy ấp phổ biến hiện nay để các bạn tham khảo.
Các cách tạo ẩm cho máy ấp
1. Tạo ẩm tự nhiên bằng khay nước
Máy ấp trứng được thiết kế tương đối kín, nếu đặt một khay nước bên trong máy thì nước sẽ bay hơi khiến độ ẩm trong máy tăng lên và đáp ứng được yêu cầu tạo ẩm của máy ấp. Chính vì thế việc để một khay nước trong máy ấp để tạo ẩm được sử dụng rất phổ biến hiện nay.
Ưu điểm của tạo ẩm tự nhiên bằng khay nước là dễ thực hiện, bạn chỉ cần một khay nước, bát nước hay bất kỳ dụng cụ chứa nước nào có bề mặt rộng để làm khay tạo ẩm đều được. Khi nước trong khay bay hơi gần hết bạn cần đổ thêm nước vào trong để bổ sung nước cho khay.
Về nhược điểm của phương pháp này cũng khá rõ ràng, tạo ẩm bằng việc cho nước bay hơi tự nhiên sẽ khiến độ ẩm không bị thấp quá nhưng cũng không cao quá. Vậy nên cách sử dụng khay nước bay hơi tự nhiên này thường dùng cho các máy ấp nhỏ, các máy ấp lớn sẽ không áp dụng được cách này vì khoang ấp quá rộng nước bay hơi tự nhiên để tạo ẩm kém.
2. Tạo ẩm tự động bằng khay nước có thanh gia nhiệt
Ngoài cách để khay tạo ẩm cho nước bay hơi tự nhiên như ở trên, nhiều nhà sản xuất đã sử dụng một khay nước có thanh gia nhiệt. Thanh gia nhiệt này sẽ làm nước ấm lên, khi nước ấm sẽ tự động bay hơi và làm cho độ ẩm trong buồng ấp tăng lên đáng kể. Nếu bộ tạo ẩm họa động liên tục thậm chí có thể khiến độ ẩm trong buồng ấp tăng lên trên 90% gây ra hiện tượng đọng nước trong buồng ấp.
Ưu điểm của phương pháp tạo ẩm này là có thể điều chỉnh được độ ẩm cao theo cài đặt của máy. Nếu đặt khay nước cho bay hơi tự nhiên độ ẩm có thể đạt được khoảng 45 50%, nhưng khay nước tạo ẩm có thanh gia nhiệt có thể tạo ẩm lên cao hơn đến 80 90%. Tất nhiên, nhà sản xuất sẽ giới hạn mức tạo ẩm khoảng 65% trở xuống vì độ ẩm quá cao sẽ khiến nước đọng trên trứng và các thiết bị trong máy làm giảm tuổi thọ của máy.
Nhược điểm của phương pháp tạo ẩm tự động này là tốn điện. Với thanh gia nhiệt loại nhỏ công suất thường vào khoảng 200 – 300W, với thanh gia nhiệt lớn ví dụ như dùng còng đốt của siêu nước để làm thanh gia nhiệt công suất vào khoảng 1000W. Nếu các bạn bật tạo ẩm với độ ẩm cao sẽ khá tốn điện.
3. Tạo ẩm tự động bằng khay nước có bộ tạo sương siêu âm
Bộ tạo sương siêu âm các bạn có thể thấy trong các linh kiện trang trí non bộ, tiểu cảnh hay hồ cá. Khi bật bộ tạo ẩm này lên nước sẽ được đi qua bộ rung siêu âm khiến nước trở thành các hạt siêu nhỏ thoát ra khỏi bề mặt nước thành dạng sương. Khi sử dụng cho máy ấp trứng, các bạn chỉ cần đặt bộ tạo sương này vào trong khay nước, bộ tạo sương hoạt động sẽ khiến độ ẩm trong máy ấp tăng dần lên.
Ưu điểm của phương pháp tạo ẩm này là nhìn … đẹp. Tạo ẩm tự động tốt và tiết kiệm điện năng. Một bộ tạo sương loại nhỏ công suất chỉ khoảng 13 – 15W, bộ tạo sương loại lớn hẳn công suất mới tới 250W nên rất tiết kiệm điện năng.
Nhược điểm của phương pháp tạo ẩm này là bạn cần phải đảm bảo nước trong khay là nước sạch, nếu nước bẩn bộ tạo ẩm này rất nhanh hỏng. Bạn nên nhớ bộ tạo sương này dùng để trang trí bể tiểu cảnh và nước trong bể thường được lọc nên rất trong. Còn máy ấp trứng mà bạn cho nước giếng khoan vào thì bộ tạo ẩm rất nhanh hỏng.
Kết luận
Với 3 Các cách tạo ẩm cho máy ấp phổ biến vừa nêu trên, có thể thấy cách thứ 2 tạo ẩm bằng khay nước có thanh gia nhiệt là tối ưu nhất. Cách này tuy tốn điện nhưng có độ bền cao và hiệu quả cũng tốt. Cách thứ 3 tạo ẩm bằng bộ tạo sương cũng tốt nhưng phù hợp cho các máy ấp nhỏ và bạn phải cho được nước sạch thì bộ tạo ẩm mới bền. Cuối cùng là tạo ẩm bằng khay nước cũng rất tốt đối với các máy ấp nhỏ nhưng máy ấp lớn thì không phù hợp.