Như trong bài viết trước tôi đã đề cập tới vấn đề gà thiếu chất trong chăn nuôi, đây là vấn đề xảy ra khá phổ biến trong chăn nuôi khi người chăn nuôi không có nhiều hiểu biết hoặc không chú ý tới chất lượng thức ăn hàng ngày của gia cầm. Chất lượng cám thức ăn gia cầm không phải mua ở đâu cũng đảm bảo, đôi khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng để lâu mất chất…do vậy khi hiểu được tác dụng của các chất dinh dưỡng nói chung và các loại vitamin trong thức ăn nói riêng ảnh hưởng thế nào tới sự phát triển của gia cầm thì chúng ta sẽ biết khi nào thừa và khi nào thiếu chất dinh dưỡng để bổ xung.
Để gia cầm phát triển tốt cần phải cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các loại vitamin. Vitamin là yếu tố cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của gia cầm, chỉ cần thiếu bất kỳ một loại vitamin nào đó cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng to lớn đến gia cầm, làm giảm hiệu quả chăn nuôi, gây bệnh hay dễ mắc bệnh ở gia cầm.
Các loại vitamin cần thiết bao gồm vitamin A, vitamin B (b1-b12), vitamin C, vitamin D, vitamin E, vitamin K, vitmin H. Mỗi loại vitamin đều có chức năng khác nhau và rất cần thiết đối với sự phát triển của gia cầm, thiếu một trong các loại vitamin trên đều ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của gà vịt. Chúng ta sẽ tìm hiểu về các loại vitamin trong thức ăn của gà vịt.
Tác dụng của các loại vitamin trong thức ăn của gia cầm, gà, vịt, chim
- Vitamin H: có lẽ ít ai biết tới loại vitamin này, bởi hàm lượng cần thiết của vitamin H là khá thấp những không thể thiếu. Vitamin H hay còn gọi là vitamin B7, là loại vitamin cần thiết để làm đẹp da, mượt lông, giúp hệ xương phát triển bình thường, đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất năng lượng. Khi thiếu vitamin H sẽ gây ra hiện tượng viêm da, rụng lông, làm rối loạn sự phát triển của hệ xương, đặc biệt làm giảm tỉ lệ nở của trứng khi cho ấp tự nhiên hoặc ấp bằng máy ấp trứng. Lượng vitamin H cần thiết trong thức ăn là 0.2mg/1kg thức ăn tổng hợp.
- Vitamin A: đây là loại vitamin được người chăn nuôi biết tới nhiều nhất, có lẽ cũng bởi vì tính quan trọng của loại vitamin này. Vitamin A có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc trao đổi lipid, glucid, protein, cần thiết cho sự hoạt động bình thường của tuyến giáp trạng, tuyến thượng thận, các tế bào biểu mô, là nguyên liệu tạo rodopxin của thị giác, giúp sáng mắt, đẹp da….Do vậy, nếu trong khẩu phần ăn của gà ở các lứa tuổi phát triển thiếu vitamin A sẽ gây ra các hậu quả trầm trọng như gà còi cọc, chậm lớn, viêm mắt và hóa sừng nhiều bộ phận như thanh quản, các bệnh thứ phát như bệnh cầu trùng dễ mắc phải và phát bệnh nặng hơn nhiều lần, gà dễ chết ở giai đoạn 1 tháng tuổi. Các bạn xem thêm trong bài viết gà thiếu vitamin A. Hàm lượng vitamin A cần thiết trong mỗi kg thức ăn là từ 10000-15000 IU (IU đơn vị quốc tế đo lượng giá trị của một chất, dựa trên hoạt động sinh học có hiệu lực).
- Vitamin D: chắc các bạn thường nghe nói về vitamin D như kiểu phơi nắng để hấp thụ vitamin D tốt cho sự phát triển của Xương. Đúng vậy, vitamin D là yếu tố quan trọng để gắn kết các vi chất Ca, P, Mg vào xương, thúc đẩy quá trình phát triển xương. Thiếu vitamin D sẽ dẫn tới vật nuôi bị còi xương, xương dị dạng, xương bị xốp dễ gẫy, chân bị liệt, trứng vỏ mỏng dễ vỡ, phôi dễ chết ở giai đoạn cuối 19 20 ngày. Nhu cầu vitamin D phụ thuộc từng giai đoạn phát triển, gà đẻ trứng, gà đang phát triển, gà nhốt chuồng thiếu ánh sáng đều có nhu cầu cao về vitamin D. Nhưng đồng thời cũng không nên cung cấp dư thừa vitamin D vì dễ gây vôi hóa một số bộ phận dẫn tới dễ chết.
- Vitamin E: khi các bạn gặp một số tình trạng như gà bị ngoẹo đầu, mỏ trúc xuống, mất thăng bằng, đi đứng loạng choạng, đi thụt lùi, hay ở gà đẻ thì có hiện tượng giảm đẻ, trứng dễ chết phôi, tỉ lệ nở thấp…thì đó chính là các triệu trứng của việc thiếu vitamin E trong khẩu phần ăn của gà. Vitamin E có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ các hợp chất sinh học, thúc đẩy quá trình hấp thu vitamin A và D, ….Vitamin e có nhiều trong các mầm hát, lá xanh non nên gà thường rỉa lá non khi ăn ngoài vườn.
- Vitamin K: đây là loại vitamin quan trọng giúp ngăn chặn quá trình chảy máu không ngừng ở các vết thương, hay nói ngắn gọn là giúp đông máu. Trong các bệnh xuất huyết như bệnh cầu trùng, bệnh gumboro, bệnh giun đũa…đều dễ bị chảy máu và vitamin K giúp làm đông máu để tránh gà bị mất máu dễ chết.
- Vitamin B: nhóm vitamin B có rất nhiều loại từ b1 tới b12, tôi sẽ phân tích riêng trong một bài viết tiếp theo để các bạn dễ theo dõi.
- Vitamin C: các bạn hãy nhớ lại xem khi nào thì chúng ta thường bổ xung vitamin C cho cơ thể, đó chính là chúng ta cảm thấy người mệt mỏi, nóng bức, khó chịu, stress. Vitamin C cần bổ xung cho gia cầm để tăng cường sức đề kháng, chống stress, tăng sức khỏe tinh trùng, chống oxy hóa trong cơ thể, tăng cường các phản ứng oxy hóa khử… Vitamin C có thể tự tổng hợp trong cơ thể, nhưng khi bị bệnh thì cần bổ xung. Lượng vitamin C cần thiết từ 100-500mg/kg thức ăn.
Trên đây là những thông tin tóm tắt về tác dụng các loại vitamin trong thức ăn cần thiết cung cấp cho gia cầm, các bạn cần tìm hiểu thêm về các loại bệnh ở gà để có kinh nghiệm chăn nuôi tốt hơn. Chúc các bạn chăn nuôi hiệu quả.